Đăng bởi

Bụp giấm chữa bệnh gan mật, cao huyết áp

Bụp giấm vị chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật, giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hoá, hạ huyết áp, chống xơ vữa động mạch, bảo vệ tế bào gan…

Bụp giấm có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L., họ Bông (Malvaceae). Đây là một cây bụi nhỏ, sống hằng năm, cao 1-1,5m, thân cứng, có nhiều cành. Lá mọc so le, phiến lá hình trứng hoặc chia thuỳ hình chân vịt.
Hoa mọc đơn độc ở kẽ lá, có cuống ngắn; đài phụ 8-12, hình sợi; đài chính dính liền nhau, màu đỏ tím, có lông nhỏ, các thuỳ nhọn đầu; cánh hoa màu vàng, giữa họng tràng màu đỏ thẫm. Quả nang hình trứng hẹp, có lông thô, mang đài tồn tại bao quanh quả (cùng phát triển với quả) màu đỏ tím thẫm. Hạt bóng. Mùa hoa: tháng 7-10.  
Hoa Bụp giấm chứa chất màu anthocyan 1,5%, chủ yếu là delphinidin-3 sambubiosid (hibiscin hay daphniphylin) và cyanidin-3-sambubiosid. Ngoài ra, còn có cyanidin-3-glucosid, delphinidin-3-glucosid và delphinidin, acid hibiscic 23%. Các acid từ quả chủ yếu là acid citric 12-17%, acid malic và acid tartric. Hạt Bụp giấm chứa dầu béo, gồm các acid myristic (2,1%), palmitic (35,2%), palmitoleic (2,0%), stearic (3,4%), oleic (34,0%), linoleic (14.6%), sterculic (2,9%) và malvalic (1,3%).
Theo Đông y, Bụp giấm có vị chua, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, lợi mật. Theo tài liệu nước ngoài, những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm đã chứng minh hoạt chất từ bụp giấm có tính kháng khuẩn, kháng nấm, chống viêm, chống oxy hóa (sự già hoá của cơ thể), giúp ngăn ngừa bệnh tim mạch, tăng cường chức năng tiêu hoá, nhuận tràng, hạ huyết áp, làm giảm cholesterol trong máu, chống xơ vữa động mạch, giảm sự đọng lipid ở gan và bảo vệ tế bào gan.
Thường phối hợp với các vị thuốc khác để chữa bệnh gan mật, cao huyết áp. Liều dùng 9-15g đài hoa, sắc hoặc hãm nước uống. Nhiều nước đã dùng Bụp giấm làm nước giải khát, trà giải nhiệt. Lá non dùng làm rau ăn, cũng có tác dụng lợi tiểu, an thần và làm mát.
PGS.TSKH Trần Công Khánh

(Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cây thuốc dân tộc cổ truyền)