Trào ngược dạ dày – thực quản là tình trạng dịch dạ dày (gồm acid HCl, pepsin, có thể lẫn cả thức ăn) thường xuyên bị trào ngược lên vùng thực quản.
Khi hiện tượng này xảy ra thường xuyên (khoảng 2 – 3 lần/tuần) làm tổn thương thực quản, phải chú ý điều trị sớm bởi nếu bệnh lâu sẽ làm cho niêm mạc thực quản biến đổi, gây nhiều biến chứng nguy hiểm.
Người bệnh có triệu chứng ợ hơi, ợ nóng, ợ chua, đau vùng thượng vị. Tùy mức độ của bệnh mà bệnh nhân đau nhiều hay ít, đau liên tục hay thỉnh thoảng, ruột non và ruột già cũng bị tăng nhu động, muốn đi đại tiện nhiều lần, phân thường nát hoặc lỏng, có khi kèm chất nhày…
Nguyên nhân dẫn đến trào ngược dạ dày – thực quản là: do thức ăn lạ, thức ăn không phù hợp; do thần kinh bị căng thẳng; do mộc khắc thổ quá mạnh; do tỳ khí, vị khí không được điều hòa… Xin giới thiệu một số bài thuốc theo từng thể bệnh để bạn đọc tham khảo áp dụng.
Khi bị trào ngược dạ dày – thực quản, nên điều trị sớm, tránh gây biến chứng nguy hiểm.
Trào ngược dạ dày – thực quản do thần kinh căng thẳng (stress)
Người bệnh lo âu, sợ hãi, tức giận làm cho thần kinh căng thẳng, ảnh hưởng tỳ vị, gây đau vùng thượng vị, ợ hơi, ợ nóng, vùng ngực và vùng thượng vị bức bách kèm theo khó thở, ăn ít, tiêu hóa trì trệ, bụng đầy hơi… Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: hoài sơn, liên nhục, cát căn, ngưu tất, bạch truật mỗi vị 16g; hắc táo nhân, phòng sâm mỗi vị 20g; viễn chí, trần bì, cam thảo mỗi vị 12g; bán hạ chế, chỉ xác mỗi vị 10g. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn.
Bài 2: thảo quyết minh (sao vàng), mẫu lệ chế, long nhãn, phòng sâm mỗi vị 16g; hắc táo nhân, bạch biển đậu, hạt sen mỗi vị 20g; bạch linh, bán hạ, hậu phác mỗi vị 10g; trần bì, cam thảo mỗi vị 12g; chỉ xác 8g; đại táo 5 quả. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Công dụng bình tâm an thần, điều khí, dưỡng tỳ vị.
Trào ngược dạ dày – thực quản do thức ăn lạ, không phù hợp
Khi gặp thức ăn lạ, thức ăn không phù hợp, người bệnh ợ hơi, buồn nôn hoặc nôn, vùng thượng vị đầy tức khó chịu, đau từng cơn hoặc đau liên miên… Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: tía tô, cây ngũ sắc (sao vàng hạ thổ), biển đậu, hoài sơn, bạch truật (sao hoàng thổ), sâm đại hành, lá đắng mỗi vị 16g; xương bồ, đương quy, lá lốt mỗi vị 12g; chỉ xác, trần bì mỗi vị 10g; sinh khương 4g. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Công dụng: giải độc, bổ tỳ vị, thuận khí, ổn định bộ máy tiêu hóa.
Bài 2: hoài sơn, liên nhục, ngũ gia bì, bạch truật, phòng sâm, cây ngũ sắc (sao vàng hạ thổ) mỗi vị 16g; tía tô 20g; lương khương, bạch linh, hà thủ ô chế, lá đinh lăng (sao thơm) mỗi vị 12g; cam thảo, bán hạ mỗi vị 10g; chỉ xác 8g; sinh khương 4g. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần sau bữa ăn. Công dụng: giải độc, thông khí, hòa khí, dưỡng tỳ, bình vị.
Mã đề thảo là vị thuốc trị trào ngược dạ dày – thực quản do can mộc khắc tỳ thổ quá mạnh.
Trào ngược dạ dày – thực quản do can mộc khắc tỳ thổ quá mạnh
Các phủ tạng trong cơ thể luôn luôn có quan hệ sinh khắc lẫn nhau. Vì lý do nào đó, quá trình này bị rối loạn, can mộc lấn thổ sẽ phát sinh những triệu chứng: đau tức vùng thượng vị, nhu động ở dạ dày tăng lên từng đợt, ngực sườn trướng đầy, ợ hơi, ợ nóng. Người bệnh khó chịu, bực bội, cáu gắt (do tỳ khí và vị khí không lưu thoát), chán ăn, mất ngủ. Phép điều trị: bổ thổ bình can, điều khí. Dùng 1 trong các bài:
Bài 1: rau má 20g; bạch truật, đương quy, cam thảo, hoài sơn, liên nhục, mã đề mỗi vị 16g; bạch thược, đan bì, râu ngô mỗi vị 12g; chi tử, bán hạ, hậu phác, trần bì mỗi vị 10g. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần trước bữa ăn.
Bài 2: tang diệp, mã đề thảo, rau má mỗi vị 20g; cỏ mực, hoài sơn, phòng sâm, củ đinh lăng, đương quy, bạch truật, hắc táo nhân mỗi vị 16g; bạch thược, thục địa, cam thảo mỗi vị 12g; hạ liên châu, hậu phác, bán hạ, trần bì mỗi vị 10g; chỉ xác 8g. Sắc uống 2 ngày/thang, ngày uống 2 lần trước bữa ăn.