Đăng bởi

Mùa mơ đến rồi, hãy cùng mổ xẻ công dụng chữa bệnh của quả mơ

Quả mơ có khá nhiều loại, như mơ ta, mơ hương tích, mơ lông… Từ xưa đã được dân gian sử dụng mơ để ngâm làm nước giải khát, ngoài ra quả mơ còn có tác dụng chữa được nhiều bệnh.

Trong tiểu thuyết cổ điển “Tam quốc diễn nghĩa” của Trung Quốc có một đoạn kể về chuyện Tào Tháo dẫn đại quân hành quân đường xa. Dọc đường, trời nóng nực, xung quanh không có nước, tướng sĩ ai cũng khát khô họng. Tào Tháo bèn nghĩ ra một cách, bảo rằng: “Phía trước không xa có rừng mơ”. Mọi người nghe nói, chợt nghĩ đến vị chua của mơ, ai cũng đều ứa bọt, thấy đỡ khát. Đó chính là điển tích “vọng mai chỉ khát” được nhiều người biết tới.

Đúng là vị chua có tác dụng kích thích làm tiết nước bọt. Lợi dụng phản xạ có điều kiện đã được hình thành từ vị chua của mơ là hợp với khoa học. Thực ra, mơ chẳng những là thứ quả quý giải khát, sinh tân dịch mà còn là vị thuốc Đông y nổi tiếng.

Mơ xanh được gọi là thanh mai, đem ngâm rượu gọi là rượu thanh mai, có thể chữa viêm dạ dày, nôn mửa, đau bụng, phong thấp, đau khớp xương, phòng cảm nắng, cảm nóng. Thanh mai được sấy khô có màu sẫm gọi là ô mai, là vị thuốc thường dùng trong điều trị lâm sàng của Đông y. Ô mai vị chua, tính bình, vào đường kinh can, tì phế, đại tràng, có công hiệu nhiều mặt, chữa được nhiều bệnh.



Bị chứng ho lâu ngày làm tổn thương phổi, phế khí phù tán dẫn đến ho khan khó khỏi: Có thể dùng ô mai kết hợp với bán hạ, hạnh nhân, bách hợp, tử uyển, túc xác, hoàn phác hoa điều trị.

Đại tiện phân nát, tiêu chảy do tì hư, viêm đại tràng, sa hậu môn: Dùng ô mai kết hợp với đẳng sâm, bạch truật, kha tử. Đại tiện ra máu, kinh nguyệt quá nhiều cũng có thể dùng ô mai kết hợp địa du, hoa hòe, ngải thán, thược dược, đẳng sâm để chữa. Ra mồ hôi trộm thì kết hợp ô mai với hoàng kì, đương quy, ma hoàng căn, cũng có hiệu quả điều trị khá tốt.

Ô mai còn có tác dụng sinh tân dịch, chữa khô khát: Miệng khát do phiền nhiệt, dùng ô mai kết hợp với thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch hộc. Để chữa cảm nắng cảm nóng và giải khát, sinh tân dịch, dùng ô mai với số lượng vừa phải, 3 thìa con đường, cho đổ nước đun sôi, để nguội uống. Người bị bệnh đái tháo đường, không tự chủ được tiểu tiện, cơ năng sinh lý tuyến giáp trạng quá mức bình thường dẫn tới miệng khô khát thì dùng bài lục vị địa hoàng thang thêm ô mai, ngũ vị tử và một ít nhục quế sẽ thấy hiệu quả rất tốt.

Hoa mơ chẳng những đẹp mà còn có tác dụng chữa bệnh. Nụ mơ mới hé nở đem thu hái, ướp đường hoặc dùng pha trà, pha nước chấm, nấu cháo đều tuyệt vời. Hạt mơ điều trị khá tốt tình trạng can khí uất kết, khó chịu trong ngực, dạ dày hoạt động kém. Lá mơ, rễ mơ, cành mơ đều có thể dùng làm thuốc điều trị bệnh phụ khoa, sỏi mật, viêm túi mật, bệnh tràng nhạc…

Do mơ vị chua, tính ấm, ăn nhiều hại răng, sinh đờm, thêm nhiệt nên người bị cảm mạo, dạ dày nhiều chất axit, trẻ em bị lên đậu cấp tính… cần kiêng dùng.

Các chất dinh dưỡng trong quả mơ

Phần thịt quả mơ có các thành phần acid citric, acid tactric, đường sacaroza, một ít dextrin, quexetin, izooquexetin, tinh bột, carotene, lycopen, vitamin C, tanin, men peroxydaza, metylsalicylat, pectin và ureaza.

Trong quả mơ có một chất có tác dụng kháng vi trùng lao mycobacterium, tác dụng này có liên quan đến sự có mặt của acid citric và malic. Trong dung dịch mơ còn có Vitamin B15 với tỷ lệ khá cao, có tác dụng tốt trong việc chuyển hóa oxy trong tế bào, chống sự già nua của tế bào trong các nhóm bệnh về tim mạch, hô hấp, như nhồi máu cơ tim, xơ vữa động mạch, viêm hoặc xơ gan thời kỳ đầu.

Mơ còn chứa nhiều protein, các khoáng chất như canxi, phosphor, sắt… hơn nhiều loại trái cây khác. Mơ còn chứa beta-caroten. Bbeta-caroten sẽ chuyển hóa thành vitamin A trong cơ thể, giúp ngăn ngừa tác hại của các gốc tự do, bảo vệ mắt và có thể ngăn chặn ung thư da.

Theo y học hiện đại, mơ chứa các loại acid hữu cơ có tác dụng kháng khuẩn, làm co túi mật, thúc đẩy quá trình tiết mật.

Tác dụng của quả mơ

Lương y Phó Hữu Đức – (Hội Đông y Việt Nam) cũng chia sẻ trên Dân trí, uống một ly nước mơ khi vừa đi nắng hoặc làm việc ngoài nắng, nóng nực, mặt đỏ, ra nhiều mồ hôi, có tác dụng giải nhiệt, giải cảm nắng, cảm nóng.

– Làm việc trong môi trường nóng bức, ra nhiều mồ hôi, uống nước mơ có tác dụng chống mệt mỏi, sinh tân, chỉ khát, chống khô miệng, giảm mồ hôi, giảm mất muối qua mồ hôi và giảm được lượng nước uống.

– Khi nóng sốt lâu ngày, uống nước mơ vừa có tác dụng thanh nhiệt, lại chống được tình trạng môi khô, miệng háo do nhiệt độ cơ thể tăng cao. Nước từ quả mơ cũng dùng tốt trong các trường hợp đau bụng nóng, đau bụng do kiết lị.

– Từ quả mơ, người ta cũng chế biến thành Ô mai, vừa là món ăn, vừa là vị thuốc trừ ho, chống khô họng, giảm khản tiếng, mất tiếng.

– Ô mai mơ giúp chữa bệnh giun chui ống mất, chữa chai chân và bệnh trĩ. Dầu hạt mơ được dùng làm thuốc bổ, nhuận trường…

– Hạt mơ điều trị chứng bệnh can khí uất kết, khó chịu trong ngực, dạ dày hoạt động kém.

– Một chế phẩm từ mơ được biết đến nhiều nhất là mơ muối. Tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, mơ muối được dùng làm thức ăn cũng như dùng làm thuốc.

– Mơ muối có tác dụng trị đầy bụng, ăn không tiêu, mệt mỏi, chán ăn, giải ngộ độc thức ăn, trị rối loạn dịch vị dạ dày, trung hòa các yếu tố âm trong người, giúp gan loại sạch các hóa chất nhân tạo ra ngoài cơ thể, chống lão hóa cơ thể.

– Phụ nữ mang thai trong giai đoạn đầu có thể dùng một quả mơ muối vào bữa ăn hoặc uống nước ép mơ muối mỗi ngày sẽ giúp hạn chế tình trạng nôn ói.

Các bài thuốc chữa bệnh bằng mơ

– Đau khớp dạng phong thấp: Vừa uống rượu thanh mai vừa dùng rượu này xoa bóp, ngày vài lần.

– Ra mồ hôi trộm: Ma hoàng căn, hoàng kỳ, đương quy, ô mai mỗi loại 10 gam, sắc uống.

– Đi lỏng dài ngày do tì hư: Đẳng sâm, bạch truật, kha tử, ô mai mỗi loại 10 gam, sắc uống.

– Miệng khô khát do phiền nhiệt: Thiên hoa phấn, ngọc trúc, thạch bộc, ô mai mỗi loại 6 gam, sắc uống.

– Đái tháo đường, không tự chủ được tiểu tiện: Thục địa, hoài sơn, đan phiến, ô mai, ngũ vị tử mỗi loại 10 gam, nhục quế 2 gam, sắc uống.

– Tẩy giun đũa: Ô mai 10 gam, xuyên tiêu 6 gam, gừng 3 lát, sắc uống.

– Sỏi mật, viêm đau túi mật: Kim tiền thảo, hải kim sa, diên hồ tố, kê nội kim, ô mai, cam thảo chế mỗi loại 15 gam, sắc uống.

– Trúng phong, răng nghiến chặt: Đánh gió bằng ô mai.



– Mụn cóc (hạt cơm) trên da: Ô mai 30 gam, ngâm nước muối 24 giờ, bỏ hạt, tra ít giấm, nghiền thành dạng cao, đắp trên mục cóc

Lưu ý: Quả mơ có vị chua, tính ấm, nếu ăn tươi nhiều sẽ hại răng, sinh đàm, tăng nhiệt. Do đó, người bị bệnh cảm, dạ dày nhiều acid, trẻ em bị lên đậu cấp tính cần kiêng ăn mơ tươi.

Theo BTQ