Người ta có thể làm giảm cơn tăng huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn
Theo y học cổ truyền, triệu chứng tăng huyết áp là một tình trạng khí nghịch do tình chí hoặc do yếu tố lục dâm (phong, hàn, thử, thấp, táo, hỏa) gây ra. Giải quyết triệu chứng này đồng nghĩa với việc giáng khí, làm cho khí đang lưu chuyển ngược lên đầu sẽ hướng xuống phía dưới và tỏa ra lớp da ngoài của cơ thể.
Tuy nhiên có một điều mà ít người quan tâm là với một số động tác đơn giản của y học dân gian, người ta có thể làm giảm cơn tăng huyết áp đang phát triển để khống chế phần lớn những tác hại của nó hoặc ít ra có thể ngăn chặn những diễn biến xấu hơn trong khi bệnh nhân chờ được chuyển đến bệnh viện hoặc cơ sở chuyên môn cần thiết.
Những động tác cụ thể:
Vuốt ấm hai vành tai
Dùng ngón cái và ngón trỏ của mỗi bàn tay vuốt dọc vành tai cùng bên, từ trên xuống dưới khoảng 9, 10 lần. Vành tai và cột sống có những điểm phản xạ tương ứng với nhau, do đó vuốt ấm vành tai cũng là tác động vào cột sống lưng, vừa có tác dụng điều hòa thần kinh giao cảm, vừa kích thích sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí do kinh bàng quang phân bố dọc hai bên sống lưng (nếu có người thứ hai bên cạnh có thể nhờ người này trực tiếp ngồi sau lưng dùng bàn bay tay phải vuốt dọc sống lưng từ trên gáy xuống đến tận thắt lưng để gia tăng thêm tác dụng).
Vuốt dọc hai bên mũi
Mỗi bàn tay vuốt một bên mũi, vuốt đều hai bên cùng một lúc. Dùng ngón tay trỏ vuốt từ ấn đường (điểm giữa hai đầu chân mày) xuống dọc theo hai bên mũi qua khóe miệng đến tận chót cằm. Vuốt chậm, nhẹ và làm không dưới 15 lần.
Kích thích huyệt ấn đường có tác dụng làm phóng thích chất endorphine nội sinh có thể làm cho an thần, hạ huyết áp và giáng khí. Vuốt dọc theo hai bên mũi xuống cằm là tác động vào hai kinh dương minh. Học thuyết kinh lạc của y học cổ truyền cho rằng kinh dương minh là kinh dương, tập trung nhiều huyết khí, huyết; có chức năng quan trọng nhất trong việc bảo vệ cơ thể chống lại các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài. Động tác này làm gia tăng sự lưu thông khí huyết ở phần vệ khí, gây ấm người và làm nhẹ áp lực lên thành mạch.
Vuốt dọc hai chân mày
Dùng hai ngón tay trỏ và giữa vuốt từ ấn đường đi dài theo xương chân mày ra thái dương đến tận mí tóc ở phía ngoài đuôi mắt. Vuốt mỗi bên khoảng 10 lần. Vùng chân mày và hai cánh tay có những điểm phản xạ tương ứng nhau, do đó động tác này ngoài việc giải tỏa sự sung huyết tại những huyệt vị thường bị tắc nghẽn ở vùng trán còn làm cho khí huyết lưu thông ra hai cánh tay và bàn tay để giúp nhẹ áp lực ở đầu.
Ngồi hoặc nằm thư giãn
Ngồi thoải mái, lưng tựa ghế hoặc nằm xuống thư giãn hít thở điều hoà, tư tưởng tập trung vào mười đầu ngón chân. Động tác này phải kéo dài hơn 10 phút. Mỗi khi cảm nhận được những dấu hiệu huyết áp tăng cao như căng, nặng ở vùng thái dương, đau đầu, mờ mắt, mắt đỏ…, người bệnh nên ngồi xuống, tập trung tinh thần thực hành lần lượt 4 động tác trên. Bình tĩnh và tự tin là yếu tố cần thiết trong quá trình thực hiện các động tác. Sau khoảng 15 phút thực hành, bệnh nhân có thể cảm thấy bớt đi cảm giác khó chịu ở vùng đầu, nhịp đập của tim sẽ chậm lại, tay chân sẽ ấm lên. Đó là lúc huyết áp đã hạ bớt.