Đau bàn tay là bệnh thường gặp, dẫn đến xuất hiện thoái hóa sớm các khớp nhỏ bàn tay và một số bệnh lý phần mềm bàn tay. Để phòng chữa ngoài biết cách lao động nên tích cực kích thích 2 huyệt: Ngoại quan, hậu khê và vê ngón tay.
Viêm gân cơ bàn tay có thể xuất hiện cả ở những người làm việc văn phòng. Trên thực tế khi thao tác với máy tính hay các dụng cụ văn phòng thì hai bàn tay vẫn phải hoạt động quá tải, phải chịu các vi chấn thương kéo dài, dẫn đến xuất hiện thoái hóa sớm các khớp nhỏ bàn tay và một số bệnh lý phần mềm bàn tay.
Bệnh cũng thường hay gặp ở những phụ nữ cho con bú, các ông bà trông cháu hay những phụ nữ làm nội trợ trong gia đình.
Các bệnh lý gân cơ bàn tay thường gặp là ngón tay lò xo do viêm gân gấp, viêm bao gân vùng mỏm châm xương quay (hội chứng De Quervain), viêm điểm bám gân mỏm trâm trụ vùng cổ tay, hội chứng đường hầm cổ tay khiến dây thần kinh giữa bị chèn ép. Hậu quả là bệnh nhân bị đau bàn tay, vận động của các khớp bàn tay bị hạn chế, gây ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt hàng ngày và khả năng lao động.
Trong một số trường hợp bệnh xảy ra ở những người mắc một số bệnh lý như thoái hóa khớp bàn tay, viêm khớp dạng thấp, đái tháo đường…
Điều trị: Việc trị đau bàn tay, các khớp bàn tay có thể kích thích huyệt ngoại quan và hậu khê (xem hình ). Ngoài ra, vê ngón tay bị đau khoảng 3 phút. Vuốt lần lượt từng ngón tay cho đến khi thấy các ngón tay nóng lên.
Dự phòng: Để phòng tránh viêm gân cơ bàn tay, chúng ta cần tránh làm việc trên máy tính liên tục trong thời gian dài, tốt nhất là cứ sau một giờ làm việc thì lại nghỉ ngơi, đi lại trong vài phút để bàn tay có thể phục hồi lại. Một số nghề nghiệp sử dụng cổ tay nhiều để làm các động tác ép, vặn, xoay… thì nên hạn chế làm quá mạnh, khi cần nên nhờ đến sự giúp đỡ của các dụng cụ, máy móc chuyên biệt.
Nhiều phụ nữ phải sử dụng tay nhiều để làm việc như giặt giũ, xách nước, dệt, đan… cũng nên phân chia công việc đều trong ngày, hay phân đều tải trọng vào hai tay, tránh trường hợp phải sử dụng tay phải quá nhiều. Phụ nữ mang thai cần tránh làm việc tay nhiều, phụ nữ cho con bú cũng không nên đứng bế con quá nhiều, tốt nhất là nên bế trẻ ở tư thế ngồi, đặt trẻ trên đùi để tránh tải trọng của trẻ lên tay. Khi tay bị đau thì có thể cho trẻ bú nằm để tay được giải phóng.
Ở bất kỳ giai đoạn nào của bệnh có thể dùng biện pháp ngâm và xoa tay bằng nước muối gừng. Lấy một miếng gừng tươi giã nhỏ, thêm ít muối rồi đặt vào khay, chậu nhỏ và cho thêm nước ấm. Nhúng hai bàn tay vào nước, vừa ngâm vừa xoa bóp bàn tay, ngón tay. Điều đó sẽ làm tăng máu đến nuôi dưỡng bàn tay, giúp tổn thương chóng phục hồi và làm mềm gân, cơ, khiến cho cử động bàn tay mềm mại hơn.