Người già dễ mắc các bệnh phổi mãn tính vì cơ thể yếu, sức đề kháng kém, các tổ chức có thể bị lão hóa, có khi bị viêm phế quản dễ chuyển sang viêm phổi.
Các triệu chứng xảy ra từ từ, không rầm rộ như người trẻ, hay ho kéo dài thành mãn tính, khó thở thường xuyên, nhịp thở nông, lưu thông phổi kém làm máu thiếu oxy, thỉnh thoảng lại đau vùng ngực.
Theo quan niệm của y học cổ truyền, phổi còn gọi là phế. Đây là cơ quan vô cùng quan trọng trong cơ thể, chủ về hô hấp, chủ về khí, phế khí bình thường thì hô hấp thông, hơi thở điều hòa. Nếu phế khí kém sẽ xuất hiện chứng khó thở, nhịp thở nhanh, tiếng nói nhỏ, người mệt mỏi, không có sức.
Người già bị bệnh phổi mãn tính thường ho, ho ngày càng nhiều, không có đờm hoặc có ít đờm dính và đặc, họng khô, ngứa, kèm thêm khó thở, khò khè, tức ngực. Ngoài các đợt khó thở cấp tính, nếu thực hiện xoa bóp thường xuyên phổi sẽ trở lại đàn hồi bình thường, sức khỏe được nâng lên rõ rệt. Khi người già bị bệnh phổi mãn tính, có thể áp dụng phương pháp sau:
Vỗ rung: Dùng bàn tay khum lại, vỗ nhẹ vào ngực và lưng cho đờm, dịch trong phổi long ra. Dùng ngón chỏ day huyệt thiên đột 5 phút (huyệt ở chỗ lõm dưới cổ). Day huyệt trung đản 5 phút (huyệt ở khoảng giữa cách 2 đầu vú). Day huyệt phế du 5 phút (huyệt ở đốt sống thứ 3 ra 3cm).
Day huyệt hợp cốc 5 phút (huyệt nằm giữa khe 2 ngón 1 – 2).
Bấm huyệt nội quan 2 phút (huyệt ở mặt trong cổ tay lên 3cm). Hằng ngày day bấm các huyệt trên 2 lần, mỗi lần 30 phút. Buổi sáng tập hít thở sâu không khí trong lành. Không hút thuốc lá, thuốc lào và uống bia rượu. Không được tắm lạnh và ngồi nơi gió lùa.