Thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có thể ngoài đau, rối loạn cảm giác vùng mặt ngoài cơ thể, còn có thể bị lệch cột sống, đi tập tễnh hoặc liệt… Điều trị có hiệu quả khi xác định đúng bệnh và phối hợp nhiều phương pháp như xoa bóp, uống thuốc và ăn uống…
Dễ di lệch và liệt
Thoát vị đĩa đệm là chỉ bao xơ của đĩa đệm bị đứt, nhân nhầy nhô ra, ép vào rễ thần kinh hoặc tủy sống và gây nên hàng loạt triệu chứng như đau lưng, đau dây thần kinh tọa, rối loạn cảm giác nông và sâu ở chân hoặc tay… Thoát vị đĩa đệm có thể phát sinh ở đốt sống của cổ hoặc đốt sống lưng – thắt lưng; thường gặp thoát vị đĩa đệm ở cột sống lưng – thắt lưng, nam nhiều hơn nữ, tuổi từ 20 – 50, bệnh thường xuất hiện đột ngột sau khi khuân vác, bưng bê, gánh, mang… sai tư thế.
Có tới 85% thoát vị ở đốt sống thắt lưng cùng L4-L5, S1. Nếu nặng thì người bệnh bị lệch cột sống, đi tập tễnh hoặc trở mình rất khó khăn làm ảnh hưởng tới cuộc sống và công tác… Biểu hiện của bệnh thường là đau rối loạn cảm giác (tê) vùng lưng hoặc lan xuống đùi – cẳng – bàn – ngón chân; yếu cơ (thường gặp ở cơ duỗi chung ngón, cơ duỗi ngón cái. Lâu ngày cơ chân bên đau bị teo); Lệch cột sống (vẹo, lưng phẳng hay còng)…
Cách trị thoát vị bán phần hoặc di động
Đông y chỉ định điều trị cho thoát vị bán phần hay thoát vị di động. Có thể dùng phối hợp các phương pháp dưới đây.
Xoa bóp – kéo đẩy: Các thủ pháp như xoa, lăn, bóp, véo, nhổ, bật gân, ấn, day huyệt, kéo, đẩy. Các huyệt tác động: A thị huyệt, đại trường du, thận du, ủy trung, thừa sơn, côn lôn. Cách tiến hành: Theo thứ tự các thủ pháp xoa, lăn, bóp, véo, nhổ, bật gân, mỗi thủ pháp làm từ 3 – 5 phút… Tiếp theo ấn, day vào các huyệt trên, mỗi huyệt 1 – 2 phút, cuối cùng vừa kéo 2 chân vừa ấn đẩy vào cột sống, vị trí ấn đẩy phải dựa vào hình ảnh X-quang; kéo liên tục 10 – 15 phút. Mỗi ngày xoa bóp, kéo đẩy 1 lần, làm liên tục 20 – 30 ngày.
Thuốc dùng ngoài: Có thể đắp khương hoàn cao, cựu thương dược, nhuyễn kiên tán, thiết đả dược tửu… 2 – 3 ngày đắp 1 lần, đắp liên tục 5 – 10 lần. Thành phần của bài thiết đả dược tiểu: Đương quy 60g, hồng hoa 30g, quế nhục 60g, long não 15g, tế tân 15g, can khương 30g, đào nhân 30g. Tất cả tán bột, thêm 1 lít cồn 95%, sau 1 tuần có thể dùng được.
Thuốc uống trong: Dùng bài độc hoạt tang ký sinh gia giảm, để bổ thận, kiện gân cốt, thông lợi kinh mạch. Mỗi ngày uống 1 thang, sắc uống 2 – 3 lần, uống liên tục 10 – 15 ngày. Bài thuốc gồm: Độc hoạt 10g, tang ký sinh 15g, tần giao 10g, tế tân 3g, tô mộc 10g, khương hoàng 10g, mộc qua 15g, uy linh tiên 10g, xuyên khung 10g, quy vĩ 15 g, sinh hoàng kỳ 20g, ngưu tất 10g, xích thược 15g, hồng hoa 5g, đào nhân 10g, đại hoàng 3g, thổ miệt trùng 5g, thủy chi 3g, địa long 10g, nhũ hương 5g, một dược 5g, cam thảo 10g.
Ăn uống: Ngoài trị liệu, trong ăn uống có thể dùng gân bò hoặc thị ba ba nấu thành các món thuốc bổ can thận, kiện gân cốt. Cách chế: 50g kê huyết đằng, 15g bổ cốt chỉ đun lấy nước cốt, cho gân bò (sau khi làm sạch) 100g vào nước cốt thuốc, đun nhừ và thêm gia vị vào vừa ăn là được. Ăn liên tục 20 – 30 ngày, mỗi ngày 1 bữa. Hoặc 1 con ba ba khoảng 300g, 30g, kỷ tử, 15g, thục địa 15g. Sau khi làm thịt ba ba, chỉ lấy thịt, cho kỷ tử, thục địa vào nồi đất, đổ ngập nước rồi đun nhỏ lửa 2 giờ, sau đó thêm gia vị vừa đủ. Ăn làm 2 lần. Một tuần nấu ăn 3 lần. Ngoài ra, người bệnh không nên ăn các thức ăn như cà pháo, măng, thịt gà… vì gây đau hơn.
Khi có biểu hiện của thoát vị cần phải đi chiếu chụp để chẩn đoán xác định giai đoạn bệnh để có phương pháp điều trị phù hợp. Tây y thường điều trị bảo tồn cho các trường hợp thoát vị không hoàn toàn hoặc thoát vị bán phần. Phẫu thuật chỉ định cho thoát vị toàn phần hoặc thoát vị cố định. Có thể kết hợp Đông Tây y để điều trị bảo tồn hoặc dùng Đông y bổ trợ phòng và tránh tái phát sau phẫu thuật.