Rễ cỏ tranh đã được dùng làm thuốc từ 2.000 năm trước và là vị thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Ngoài ra nó còn có mặt trong rất nhiều cuốn y thư cổ khác như Danh y biệt lục, Bản thảo kinh sơ, Đắc phổi bản thảo, Bản thảo cầu chân. Cỏ tranh có ở nhiều quốc gia và ở mỗi nước, nó lại được dùng để chủ trị các loại bệnh khác nhau. Ở Cambodia, rễ tranh được kết hợp với vài loại thảo mộc khác để trị bệnh trĩ. Ở Trung Quốc, rễ loại cây này được dùng để hạ sốt, trị nôn mửa, phù thủng. Còn người châu Phi lại dùng cỏ tranh để trị bệnh lậu và các rắc rối ở đường tiết niệu.

Rễ cỏ tranh màu từ trắng ngà đến vàng nhạt, có nhiều đốt, xung quanh có các lá vẩy và rễ con. Trong rễ tranh có 18% là đường (cả đường glucose và fructose), đó là lý do vì sao rễ loại cây này lại có vị ngọt; cùng với các loại acid citric, malic, tartatric, oxalic, triterpene methylethers, arundoin và cylindrin.

Theo Đông y rễ cỏ tranh được gọi là mao căn. Từ rễ cỏ tranh nguyên bản, tùy theo cách bào chế và mục đích chữa bệnh, vị thuốc này có thêm những tên gọi khác nhau. Rễ cỏ tranh tươi, rửa sạch, thái nhỏ thì được gọi là sinh mao căn. Rễ cỏ tranh tẩm nước cho mềm rồi cắt thành đoạn, phơi khô, sàng bỏ chất vụ thì được gọi là bạch mao căn. Rễ cỏ tranh vị ngọt, tính hàn nên có tác dụng thanh nhiệt, giải khát rất tốt. Nó còn giúp tiêu ứ huyết, lợi tiểu tiện, thanh phế vị nhiệt; chủ trị các chứng như chảy máu cam, tiểu ra máu, bí tiểu.

Còn theo y học hiện đại thì rễ cỏ tranh có tác dụng làm đông máu nhanh, bột mao căn làm rút ngắn thời gian hồi phục calci của huyết tương ở thỏ thực nghiệm. Về tác dụng lợi tiểu, y học hiện đại đã chứng minh bằng các thí nghiệm trên thỏ. Y học hiện đại cho rằng tác dụng này có liên quan đến hệ thần kinh hoặc do thuốc có chứa muối kali. Ngoài ra thuốc sắc từ rễ cỏ tranh còn có tác dụng ức chế vi khuẩn, mà cụ thể là khuẩn Flexner và Sonnei gây ra bệnh kiết lỵ ở người. Nhưng có lẽ, tác dụng được nhiều người nhắc đến nhất ở loại thảo dược này chính là hỗ trợ điều trị bệnh thận.

Các nghiên cứu lâm sàng tại Trung Quốc cho thấy, rễ cỏ tranh có tác dụng tương đối tốt trong việc hỗ trợ điều trị viêm thận cấp, giúp rút ngắn thời gian điều trị. Đối với viêm thận mạn tính, rễ cỏ tranh với tác dụng lợi niệu, tiêu thũng và hạ huyết áp nhất định.

Để biết công dụng trực tiếp từ rễ cỏ tranh này thì các bạn có thể đọc bài: Những tác dụng cực kỳ tốt từ cây cỏ tranh

Lưu ý: Người hư hỏa, phụ nữ mang thai không nên dùng rễ cỏ tranh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *